.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, March 13, 2012

HARUKI MURAKAMI – NHÀ VĂN CỦA GIỚI TRẺ

 
Haruki Murakami là một là một trong những nhà văn Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay trên thế giới, người đã tạo được một sự đột phá mạnh mẽ, trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại, được tôn vinh là “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn của giới trẻ". Tác phẩm của ông đi sâu vào nhận diện thế giới thực tại của con người thông qua bút pháp ảo hóa, phản ánh nỗi ám ảnh về sự cô đơn cố hữu của con người trong thế giới.

Haruki Murakami (村上春樹 - Thôn Thượng Xuân Thụ) sinh tại cố đô Kyoto nhưng lớn lên và gắn bó với tỉnh Hyogo. Xuất thân trong một gia đình cả cha và mẹ đều là giáo viên văn học Nhật Bản, H. Murakami sớm bộc lộ thiên hướng nghệ thuật. Từ nhỏ, ông tỏ ra đặc biệt yêu thích âm nhạc và văn học Phương Tây; lớn lên, ông theo học nghệ thuật sân khấu tại Đại học Waseda, Tokyo và làm việc tại một cửa hàng băng đĩa trong thời gian đi học.
Ở đó, ông gặp Yoko; năm 1971, hai người kết hôn và sống cùng nhau cho đến tận bây giờ, nhưng không có con. Từ năm 1974 đến 1982, H. Murakami mở và làm quản lí cửa hàng cà phê mang tên Peter Cat tại Tokyo. Đây là nơi chuyên chơi nhạc jazz, thể loại âm nhạc ông yêu thích nhất và cũng rất thịnh hành trong giới sinh viên Nhật Bản thời đó. Chính không gian đầy âm nhạc này đã tạo cảm hứng cho nhà văn, và nhạc jazz thấm sâu vào ông đến mức biến thành những tiêu đề, lời đề từ và âm hưởng của nhiều tác phẩm sau này (như Dance, Dance, Dance là tên bài hát của ban nhạc The Steve Miller, Rừng Na Uy - bài hát của Beatles Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là câu đầu bài hát của Nat King Cole).

Năm 1979 - 1982: Bộ ba Chuột

Haruki Murakami không viết văn từ khi còn nhỏ; mãi đến khi 29 tuổi ông mới đột nhiên nảy ra ý tưởng viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình khi đang xem một trận bóng chày trên sân vận động. Ngay tối hôm đó, ông bắt tay vào viết, và bốn tháng sau tác phẩm được hoàn thành với tiêu đề Lắng nghe gió hát (風の歌を聴け – Kaze no uta o kike, 1979). Cuốn tiểu thuyết đọat giải nhất trong một cuộc thi văn học lúc đó; sự thành công ngẫu nhiên này là nguồn cổ vũ rất lớn cho ông tiếp tục theo đuổi nghề văn. Ngay trong tập sách này đã bắt đầu lộ diện nhiều yếu tố căn bản tạo nên đặc điểm cho những tác phẩm sau này của nhà văn như lối hài hước thâm thúy, nỗi hoài hương sâu sắc, và đặc biệt là phong cách chịu ảnh hưởng của Phương Tây. H. Murakami viết phần tiếp theo của cuốn truyện, và năm 1980 tiểu thuyết Pinball, 1973 (1973年のピンボール -1973 nen no pinbōru) ra đời. Tiếp đó, Săn cừu hoang (羊をめぐる冒険 – Hitsuji o meguru bōken, 1982) được xuất bản, kết thúc diễn biến câu chuyện kéo dài trong hai cuốn sách trước đó. Ba tiểu thuyết này hợp thành Bộ ba Chuột (老鼠三部曲) với các nhân vật trung tâm là người dẫn chuyện vô danh và anh bạn tên là "Chuột", trong đó, Săn cừu hoang khiến nhà văn hài lòng hơn cả, là tác phẩm đầu tiên tác giả cảm nhận được sự xúc động và niềm vui khi kể chuyện.

Năm 1987: Rừng Nauy

Những năm sau khi Bộ ba Chuột ra đời, Haruki Murakami viết mạnh dạn hơn. Nhà văn sáng tác rất nhiều truyện ngắn, sau này một vài trong số đó được ông phát triển thành các tiểu thuyết lớn. Đây chính là một quá trình tích lũy nghệ thuật. Năm 1985, tiểu thuyết Xứ sở kì diệu lạnh lùng và nơi tận cùng thế giới (世界の終りとハードボイルド・ワンダーランド – Sekai no owari to hādoboirudo wandārando) ra đời đã đánh dấu sự trưởng thành của ngòi bút H. Murakami. Trong tác phẩm này, những yếu tố tưởng tượng, kì ảo pha trộn với cái nhìn hiện thực đã khiến phong cách miêu tả của ông trở nên không thuần nhất nữa. Song, phải đến Rừng Nauy (ノルウェイの森 – Noruwei no mori, 1987) - được triển khai từ ý tưởng trong truyện ngắn Đom đóm (納屋を焼く- Naya wo yaku, 1983) - nhà văn mới tạo ra đột phá trong cách viết. Thông qua câu chuyện tình lãng mạn có kết thúc bi kịch của nhân vật chính Watanabe Toru với Naoko, người yêu của người bạn thân nhất đã tự tử của anh, một cô gái không ổn định về cảm xúc, và với Midori, một cô gái thẳng thắn, hoạt bát và yêu anh, nhà văn phản ánh cảm thức thời đại của giới trẻ Nhật Bản cuối những năm 1960 đầu 1970 và cuộc đấu tranh của họ chống lại những định kiến xã hội trong bối cảnh của phong trào giải phóng tính dục diễn ra trên thế giới. Trái với một Nhật Bản nhảy vọt và nhanh chóng trở thành siêu cường kinh tế thì trong tác phẩm, người đọc lại thấy một tinh thần mỏi mệt, rã rời và bế tắc. Các nhân vật trong tác phẩm hầu hết là những kẻ cô đơn, họ khao khát tình yêu nhưng thiếu kiên định, họ mong muốn dựa vào nhau nhưng có người đã phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi nỗi cô đơn đau đớn, còn Watanabe Toru đi lang thang khắp nước Nhật không mục đích. Cuối cùng, khi hiểu ra rằng cái chết không phải là sự đối nghịch mà chính là một phần của sự sống, anh trở về Tokyo để tự quyết định chuyện tình cảm của mình. Được viết ở Roma (Italia), tác phẩm chịu ảnh hưởng khá rõ của tiểu thuyết Phương Tây, với thủ pháp dòng ý thức, cốt truyện diễn tiến trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính, những kí ức hoài niệm tuổi mới lớn chen lẫn với ý thức về những mất mát trong cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết được giới trẻ Nhật Bản đón nhận nồng nhiệt, đưa tên  tuổi tác giả lên địa vị “siêu sao” trong nền văn học hiện đại của nước này.

Năm 1994: Biên niên kí chim vặn dây cót

Năm 1986, Haruki Murakami rời Nhật Bản, đi du lịch qua các nước Châu Âu và năm 1991 sang Mĩ, làm thực tập sinh ở Đại học Princeton, bang New Jersey, rồi làm trợ giảng tại một số trường đại học của Hoa Kì. Trong thời gian này ông viết Dance, Dance, Dance (ダンス・ダンス・ダンス – Dansu dansu dansu, 1988) và Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời (国境の南、太陽の西 – Kokkyō no minami, taiyō no nishi, 1992). Năm 1994, nhà văn hoàn thành cuốn tiểu thuyết Biên niên kí chim vặn dây cót (ねじまき鳥クロニクル – Nejimaki-dori kuronikuru). Tác phẩm nói về Toru Okada, một người thất nghiệp, đi tìm con mèo mất tích và người vợ bỏ đi của mình; và các sự kiện diễn ra sau đó chứng minh rằng cuộc đời có vẻ ngoài đơn điệu - giống như con chim vặn dây cót ngày qua ngày vẫn cất lên tiếng kêu tic… tic… vô cảm - lại hóa ra vô cùng phức tạp. Toru Okada bắt đầu hành trình khám phá ra sự méo mó của thực tại xung quanh, gặp những con người méo mó về tinh thần mặc nhiên thừa nhận sự có mặt của nhau như một lẽ tự nhiên nhất trên đời. Câu chuyện hòa trộn giữa thực và ảo, giữa cái sống và cái chết, các nhân vật hiện lên với những mảnh ghép đặc biệt nhưng đều mang trong mình nỗi cô đơn cố hữu. Thông qua hình tượng con chim vặn dây cót như một ám dụ nghệ thuật độc đáo, nhà văn cảnh báo một nguy cơ trong thế giới hiện đại để con người kịp thời tự cứu lấy mình: Con người rất dễ bị cuốn vào mê cung và không thể cầm nắm được số phận của mình, sẽ mất cảm giác về cuộc sống, mất các mối dây liên lạc với cuộc sống. Trong tác phẩm này một lần nữa thể hiện triết lí căn bản của Haruki Murakami trong Rừng Na Uy: Cái chết là một phần của sự sống, thậm chí cái chết còn hồi sinh cho sự sống.

2002: Kafka bên bờ biển

Từ năm 2001, Haruki Murakami trở về sống ở thị trấn Ooiso, tỉnh Kanagawa. Năm 2002, ông cho ra mắt tiểu thuyết Kafka bên bờ biển (海辺のカフカ – Umibe no Kafuka). Cuốn sách này mang đến cho ông Giải Franz Kafka của Séc năm 2006. Là người rất ngưỡng mộ F. Kafka, Haruki Murakami chịu ảnh hưởng rất lớn từ cách viết và cách nhìn nhận cuộc sống của nhà văn vĩ đại này – đó là Chủ nghĩa Phi lí. Tác phẩm tràn đầy những điều phi lí và những tâm hồn cô đơn (tên sách Kafka bên bờ biển cũng là tên ca khúc về một tâm hồn cô đơn bị lạc nẻo đến bến bờ phi lí). Cuốn sách bắt đầu bằng lời nguyền dành cho nhân vật tự xưng là Kafka: Giết chết cha và ngủ với mẹ, với chị gái mình; nó như một định mệnh quái gở, lạ lùng đeo đuổi dù cậu có trốn chạy đến chân trời nào. Bằng cách đó, nhà văn đặt nhân vật vào một mô thức cổ xưa: mặc cảm Eudipe. Tuy nhiên ở đây, thông qua phép huyền thoại hoá, nhà văn muốn để cho nhân vật phải tự đấu tranh thoát khỏi số mệnh của mình chứ không phục tùng số mệnh như trong vở bi kịch cổ đại.

Năm 2009: 1Q84

Những năm đầu thé kỉ XXI, Huruki Murakami tiếp tục cho ra đời các tiểu thuyết Sau nửa đêm (アフターダーク – Afutā Dāku, 2004), Hợp tuyển bí ẩn Tokyo (東京奇譚集 – Tōkyō Kitanshū, 2005). Tác phẩm mới nhất của ông là 1Q84 (1Q84 – Ichi-kyū-hachi-yon), ngay từ khi mới ra mắt tập đầu tiên vào tháng năm 2009 đã tạo cơn sốt ở Nhật Bản và được đánh giá là một kiệt tác mới của Murakami. Tiểu thuyết là câu chuyện đan xen của cuộc đời và số phận của hai nam nữ nhân vật chính là Aomane và Tengo trong bối cảnh Tokyo năm 1984, khi nước Nhật đang ở trong thời kì khủng hoảng. “Q” trong tiếng Nhật phát âm gần giống số 9; bằng việc thay kí hiệu Q cho chữ số, nhà văn muốn đem những hình ảnh và bối cảnh trong tiểu thuyết 1984 của George Owell phản chiếu vào thế giới hiện tại - một thế giới ảo giác, có bạo lực, có dục vọng, có trăn trở về sự sống và cái chết, có sợ hãi và có cả tình yêu chân thật.
Huruki Murakami còn là một dịch giả nổi tiếng, ông đã dịch hàng loạt tác phẩm của Jerome Salinger, Francis Fitzgerald, Truman Capote, John Irving, Ursula Le Guin… ra tiếng Nhật và các tác phẩm của ông sang tiếng Anh. Ở Việt Nam đã xuất bản hàng chục bản dịch các tác phẩm của ông như Rừng Nauy; Xứ sở diệu kì bạo tàn và chốn tận cùng của thế giới; Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời; Biên niên kí chim vặn dây cót; Kafka bên bờ biển; 1Q84; và nhiều truyện ngắn đặc sắc.

HUYỀN LI

No comments:

Post a Comment