.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, March 16, 2012

CỰU GIÁM ĐỐC NXB VĂN HỌC, NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN LƯU ĐANG "HẠ SÁT" MỘT ÔNG GIÀ ĐÁNG KÍNH VỀ NGHỀ CHỮ BẰNG MÓN VÕ VIỆT MÀ VĂN GIỚI VIỆT CHẲNG LẠ GÌ


Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
:
 

Gia đình Cụ Vũ Ngọc Liễn và nhà văn Lê Hoài Lương nhờ tôi đăng bài viết này lên blog để bạn đọc được rõ sự thật về chuyện “đạo văn người chết, âm mưu giật giải thưởng” mà báo TP đã đưa. Gia đình Cụ VNL đang rất bức xúc về câu chuyện này. Là người quen thân với Cụ Liễn từ 30 năm trước, coi Cụ là bậc cha chú, tôi thấy cần làm rõ sự việc này để Cụ yên tâm tiếp tục những công việc nghiên cứu còn dang dở khi đã bước vào tuổi 90. Theo tôi, nếu những ý kiến đã đăng trên báo TP là sai lệch sự thật thì báo và tác giả bài báo nên đính chính và xin lỗi Cụ trên báo. Thế mới là phải lý hợp tình.
________________________

TRAO ĐỔI VỚI ÔNG NGUYỄN VĂN LƯU VỀ CHUYỆN “ĐẠO VĂN” VÀ “TÁC QUYỀN” TRÊN BÁO TIỀN PHONG
Bắt đầu từ bài viết của tác giả Minh Tâm: “Âm mưu giật giải nhờ… đạo văn người đã khuất” (Tiền Phong, 19-2-2012) kết tội Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (NNC VNL). Bài báo có những phản hồi tức khắc, người bất bình, người phẫn nộ, nhưng không được báo TP đăng nên hầu hết đăng tải trên các báo mạng, trong đó có bài của tôi (LHL): “Một bài viết bịa tạc và vu khống trắng trợn”. Các kênh thông tin đang dịu lại thì mới đây, báo TP 11-3-2012 in tiếp bài của Nguyễn Văn Lưu: “Về tác quyền của “Đào Tấn thơ và từ”, xới lại vấn đề này theo một cách khác, tiếp tục củng cố cho bài viết của Minh Tâm với cách nói nhẹ nhàng hơn và, cũng thâm hơn.
Nói tóm tắt bài của Minh Tâm là “tá hỏa” khi phát hiện NNC VNL đạo văn người đã khuất để “âm mưu giật giải” Nhà Nước 2011. Chứng lý là: gần như cuốn “Thơ và từ Đào Tấn” (NXB Văn Học, 1987) được “kính chuyển” qua cuốn “Đào Tấn thơ và từ” (NXB Sân Khấu, 2003). Cuốn 1987 ghi công trình tập thể do Vũ Ngọc Liễn chủ biên (cùng Nguyễn Thanh Hiện, Mạc Như Tòng, Tống Phước Phổ, Xuân Diệu giới thiệu, Hoàng Trung Thông viết bạt, Đỗ Văn Hỷ hiệu đính). Còn cuốn 2003 chỉ ghi tên ông VNL biên khảo. Vậy là nhanh chóng kết tội “đạo văn” dù nếu sử dụng bài nào của ai trong cuốn trước, ông VNL đều ghi tên đầy đủ và những lời tri ân rất đúng mực ở đầu sách, cuối sách.
Sách đây là một công trình bộ ba về Đào Tấn được nhà nước đặt hàng, một công trình tổng hợp biên khảo 30 năm của ông, và của cả đời ông, từ những năm còn ở miền bắc, từ cả những tháng năm sống với hát bội Bình Định thời trước Cách mạng Tháng Tám. Vậy mà chỉ thấy thiếu tên một số vị ở trang bìa, tác giả Minh Tâm nhanh chóng kết tội NNC VNL “đạo văn”, mà là chờ những người kia chết hết mới “đạo”. Và viết bằng giọng đắc thắng!
Thật tiếc cho cái đắc thắng của Minh Tâm vì tác giả này còn nhiều sai sót khi kết tội ông Liễn: không chứng minh gì cái gọi là “đạo văn”, và, những người Minh Tâm định làm luật sư cho cõi âm, biện hộ những oan khuất thì còn sống sờ sờ, mà một là người có tên đầu sách: nhà văn Nguyễn Thanh Hiện.
Tác giả Minh Tâm rồi sẽ trả lời trước công luận, trước pháp lý, cả tòa án lương tâm, bài viết có vẻ “phát hiện” về điều đang “mốt” được quan tâm trên báo chí là “đạo văn”.
Còn bài mới đây của ông Nguyễn Văn Lưu thì sao?
Có mấy điểm nổi bật từ bài viết được báo TP ưu ái in với số chữ thoải mái cho những luận, gẫm, cả thuyết giảng. Nhưng nổi bật là ông Lưu đã khôn khéo thay hẳn chữ “đạo văn” của ông Minh Tâm thành vấn đề “tác quyền”. Thêm một chữ cũng đang “mốt” cho vấn đề văn chương nghệ thuật nước nhà đang còn nhập nhèm luật, và thực hiện luật.
Trên cái nền này, ông Lưu bắt đầu bằng những bài dạy ứng xử: “Viết về những vấn đề nhạy cảm như thế này, các bạn nên tìm hiểu kỹ đối phương, cả bạn Hồng Hạnh và bạn Minh Tâm (và cả báo Tiền Phong nữa).
Nếu biết cụ Vũ Ngọc Liễn là bậc cao niên đã thượng thượng thọ đến tháng 3-2012 đã vào tuổi gần 90, thì hẳn Minh Tâm – chỉ đáng tuổi con cháu – không nỡ giật tít gay gắt đến như thế. Trẻ tha già nể… kia mà!” (Hồng Hạnh là một trong những người phản pháo gay gắt Minh Tâm- LHL).
Có hai điều đáng bàn từ một đoạn viết có vẻ rất phải chẳng, chí tình chí lý của ông Lưu. Một là, các vị viết bài (hai phía) và báo TP bộp chộp không chững chạc như ông. Và hai, hãy nể ông VNL vì tuổi tác (chứ không phải học thuật hay lẽ phải!).
Ông chê Hồng Hạnh kết tội oan cho Minh Tâm là “Manh Tâm giun rắn” vốn “một quan chức văn hóa văn nghệ” người Bình Định là sai vì Minh Tâm là nhà báo đang sống ở Hà Nội. Chuyện này ông có lý khi có thực một Minh Tâm nhà báo đó. Còn Hồng Hạnh vẫn có lý khi nói bài viết, luận điệu của Minh Tâm là một bài của ông Văn Thinh khởi kiện NNC VNL ra Bộ VH TT&DL (trong bài viết mới đây trên nguyentrongtao.org, và nhiều trang khác…). Chứng lý việc này, Hồng Hạnh và tôi, người viết bài này đều có trong tay.
Ông Lưu đã không biết điều này là điều dễ hiểu, không đáng trách. Chỉ xin nói lại với ông ý thứ hai: nể nang tuổi tác ông VNL để xem xét về cách ứng xử, cụ thể là chữ “đạo văn” tác giả Minh Tâm đã nêu trước bàn dân thiên hạ, mà ông khéo léo chuyển sang vấn đề tác quyền. Và viết bằng kiểu “châm chế” rất thâm rằng: “Trẻ tha già nể… kia mà!” Ông Lưu ơi, ông nói vậy có nghĩa là ông Minh Tâm chỉ sai khi nói nặng lời với người lớn tuổi. Còn thì rõ là, NNC VNL ăn cắp. Nói nhẹ kiểu ông, chuyển từ ăn cắp văn Minh Tâm bộp chộp sang ăn cắp (kiểu ông kết tội) tác quyền!
Và ông chứng minh. Kiểu lý luận lòng vòng mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Ngô Minh phản bác bằng lời sa-bô trên trang hai người khi in bài Hồng Hạnh (14-3-2012).
Nhắc bài Hồng Hạnh để bạn đọc tham khảo thêm thôi, còn người viết bài này nói với ông rõ nhé. Rằng, ông đánh tráo khái niệm. Và cố cứu cái sai của Minh Tâm và báo TP khi thay chữ “đạo văn” thành vấn đề “tác quyền”. Và cũng chỉ chứng minh như Minh Tâm lu loa thiếu căn cứ. Ông chê người “thiếu tìm hiểu kỹ đối phương”, thì ông cũng chỉ nói dựa: ông biết ông Nguyễn Thanh Hiện (NTH) còn sống qua các bài phản bác của mọi người, thì lại phạm sai lầm khác Minh Tâm, khi viết “cụ” Nguyễn Thanh Hiện. Dùng chữ “cụ” rất thâm để xoa dịu ông VNL, rồi lơ mơ về các ông khác cùng có tên, ông viết luôn rất kính cẩn (lần này thì không nói chết hết như Minh Tâm), rằng “cụ” NTH! Ông Lưu ơi, “cụ” này sinh năm 1940, thời giúp ông VNL làm sách và giờ vẫn chỉ là hậu bối của nhà nghiên cứu! Thôi vậy, bỏ qua chuyện này, giờ nói về “tác quyền”.
Ông Nguyễn Văn Lưu nói ví von rất hay rằng: “Như trước đây còn nghèo khó, bốn năm anh em chung tay cất ba gian nhà. Nay có điều kiện, nối thêm thành năm hay bảy gian.” Và ông viết thêm cho sáng ý rằng: “Lúc khởi đầu khó khăn, anh em chung lưng đấu cật, nay đã thành tựu, có điều kiện nhuận sắc thêm, thì có nên bỏ quên anh em thuở hàn vi không?” và nữa: “ Tuồng Đào Tấn cũng phải nhờ Phạm Phú Tiết chú giải… mà nay chỉ thấy tác giả duy nhất Vũ Ngọc Liễn?”
Về ngôi nhà: tôi đọc thấy tác giả Hồng Hạnh chê ông không hiểu rằng, thực ra nhà chỉ là nhà của Đào Tấn, ông VNL chủ trương cùng nhiều người góp công lau chùi cho sáng đẹp cũng có lý. Còn ông muốn nói “nhà” theo nghĩa cuốn sách “Thơ và từ Đào Tấn” và “Đào Tấn thơ và từ” bằng giọng xách mé rằng chỉ đổi lại tên, thì xin thưa rằng, ông cũng sai nốt. Cả “nhà” theo cách hiểu của ông thì ông VNL cũng là chủ cả. Cuốn trước, ông VNL là chủ công trình- ghi là chủ biên (ông về Bình Định xem lại hợp đồng với tỉnh, cơ quan đầu tư lúc đó sẽ hiểu hơn), vì thời gian khẩn cần cho Hội thảo Đào Tấn lần 3, 1988 nên ông Vũ vận dụng tối đa bằng hữu giúp sức thêm, trên cơ sở những tư liệu của ông, và ông tham gia phần lớn chuyện dịch nghĩa, chú giải, dịch thơ. Thêm mấy tên tuổi uy tín viết giới thiệu, lời bạt, hiệu đính… Tên bạn bè là làm giá trị công trình cao hơn trong hoàn cảnh nhiều vị quan chức còn e dè “ông quan Thượng thư” Đào Tấn thời phong kiến. Nó sáng trưng vậy.
Và sau này, lúc đất nước đã khá hơn, nhà nước đặt hàng ông VNL làm trọn bộ về danh nhân Đào Tấn (3 tập, NXB Sân Khấu 2003-2007, 2400 tr), ngay từ cuốn đang nói, đã có hàng chục những sửa lại các sai sót mà thời trước chưa đủ điều kiện nên còn sai sót (tôi chỉ kể sơ mấy chỗ trong bài viết phản hồi kể trên với tác giả Minh Tâm), sửa từ chú giải tới dịch nghĩa, dịch thơ. Và từ 280 trang thành 650 trang, thêm 91 bài mới, thêm 201 bài nguyên tác chữ Hán. Cả mấy bài thơ chữ Nôm trước chưa hề có. Rồi cách sắp xếp khoa học kiểu nội dung thơ Đào Tấn cho tiện tra cứu… Các cuốn sách còn lại cũng vậy, ông VNL đã bỏ cả đời để làm nó hoàn thiện, tư liệu được gom nhặt từ thời đất nước chia cắt đến sau này gặp từng người thân Đào Tấn, ghi chép từ các bậc túc nho, người yêu hát bội Bình Định để dần gom lại công trình chung về danh nhân, nhà thơ, nhà soạn kịch kiệt xuất- hậu tổ tuồng Đào Tấn, ông VNL ghi tên mình là nhà biên khảo, sai gì chăng, thưa ông Lưu? Công trình này không phải là cuốn “Thơ và từ Đào Tấn” (dù cũng là VNL chủ biên) “in lại” như ông cố tình áp đặp, cố tình không hiểu!
Về đạo đức… thuở “hàn vi”: Khi làm cuốn sách năm 1987, gần như không ai có nhuận bút gì. Tỉnh hỗ trợ in ấn là chính, ai cũng có lương, coi như làm việc công. Tất cả đều ủng hộ ông VNL lúc này như một nối tiếp trách nhiệm cán bộ Bộ Văn Hóa “đặc phái về danh nhân Đào Tấn”, từ Hội thảo lần 1, 1977, dù ông đã về Nhà hát tuồng Đào Tấn. Cũng không ai nghĩ gì về tác giả, tác quyền. Đến cuốn nhà nước tài trợ in bộ 3 với tên ông VNL biên khảo, có vài triệu nhuận bút. Ông VNL đã chuyển nhuận bút thành in sách bìa cứng cho sang trọng xứng với danh nhân Đào Tấn, giờ chúng ta đang có trên tay (chế độ tài trợ không có bìa cứng). Chắc từ “thuở hàn vi” tới giờ “sinh chuyện” kiểu các ông Minh Tâm, Nguyễn Văn Lưu, và…(?), các vị tiền bối cùng chung tay, cùng giúp ông VNL chỉ ngạc nhiên về cách đặt vấn đề “ăn chia” của các vị! Một cách đặt vấn đề có vẻ “mốt”, và thật “ăn khách” cho báo chí
Về ông Phạm Phú Tiết: ông Lưu nói “cũng phải nhờ Phạm Phú Tiết chú giải”. Thêm chuyện ông bộp chộp dù “nhắc nhở” các bạn viết và báo TP ở trên “nên tìm hiểu kỹ đối phương”. Thực ra viết chữ “đối phương”, ông Lưu cũng “căng” không đáng có nếu chỉ để trao đổi cho rõ như ông sắm vai.
Xin thưa, ông Trúc Tôn- Phạm Phú Tiết đã trao gửi những chú giải này cho ông Vũ Ngọc Liễn từ những năm sáu mươi ngoài bắc, khi ông VNL học 7 năm ở Trung Quốc về! Hai người từng trao đổi từng câu từng chữ về hát bội mà ông Liễn hậu bối xem ông Phạm Phú Tiết là thầy. Ngược lại, Trúc Tôn tiên sinh đã tin cẩn, ký thác cả tâm huyết của mình cho bậc đàn em, học trò VNL những góp nhặt một đời. Đó là những chú giải viết tay các vở tuồng hát bội, và cuốn “Chầu đôi”, gần đây, khi tìm được nguồn tài trợ ông VNL mới in được thành sách, và lập tức được Hội Nghệ sĩ sân khấu trao giải thưởng năm. Ông Phạm Phú Bằng con Trúc Tôn tiên sinh còn đang sống ở Hà Nội hết lòng cảm tạ ông VNL đó, ông Lưu à!
Thưa nhà văn Nguyễn Văn Lưu, giờ tôi mới gọi đúng danh xưng sang trọng của ông là nhà văn, là người của chữ nghĩa. Tôi từng đọc ông những bài viết, bài trả lời phỏng vấn “hạ sát” những bạn văn chương, học thuật NĐM, ĐTT…, “hạ sát” bằng giọng cung kính “thưa tiên sinh” này, nọ. Thôi không lạ gì đâu. Ông đã sử dụng chiêu quá quen để vừa la rầy vài kẻ bộp chộp không kính cụ, cả đoạn cuối chúc “thọ” chín mươi ông VNL, nhưng ông đang “hạ sát” một ông già đáng kính về nghề chữ và cứ luôn miệng gọi “cụ” bằng món võ của ông mà văn giới Việt chẳng lạ gì.
Tôi là kẻ hậu sinh, có thể né “lằn tên mũi đạn” bằng cách ký bút danh khác hay tên ảo. Nhưng tôi còn có phần kính trọng ông nên không làm vậy, và sẵn sàng chịu sự quở trách của ông tiếp sau đây.
Cũng xin nói thêm, tôi, nếu có chút bực dọc thẳng thắn với ông là vì thấy tác giả Minh Tâm thực ra chỉ “non” hay cả tin. Còn ông đầy chủ ý. Để bảo vệ một tờ báo lớn quá kiêu ngạo. Và để thể hiện mình, một cây bút biết cách khuynh đảo văn giới vì những trò “thâm” không giới hạn.
Học ông, tôi chúc ông khỏe! Gặp ông, chắc chắn tôi sẽ tự lại nói với ông lời “kính cụ”.

LÊ HOÀI LƯƠNG




Mời xem “Đào Tấn Thơ và Từ”:
1. Mới 16/3: - THƯ NGỎ CỦA CON TRAI CỤ VŨ NGỌC LIỄN GỬI TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH VÀ CỘNG ĐỒNG CƯ DÂN MẠNG (Văn chương +). “Vừa qua, trên Báo Tiền Phong (TP), Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 19/2/2012 có đăng bài: “Âm mưu giật giải… nhờ đạo văn người đã khuất” của Minh Tâm. Bài báo này đã bịa ra những chi tiết không đúng sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự Ba tôi là Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.
2. - CỰU GIÁM ĐỐC NXB VĂN HỌC, NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN LƯU ĐANG "HẠ SÁT" MỘT ÔNG GIÀ ĐÁNG KÍNH VỀ NGHỀ CHỮ BẰNG MÓN VÕ VIỆT MÀ VĂN GIỚI VIỆT CHẲNG LẠ GÌ (Văn chương +). “Nhà văn Lê Hoài Lương: Tôi là kẻ hậu sinh, có thể né “lằn tên mũi đạn” bằng cách ký bút danh khác hay tên ảo. Nhưng tôi còn có phần kính trọng ông nên không làm vậy, và sẵn sàng chịu sự quở trách của ông tiếp sau đây.”
5. - “CHA ÔNG TỔNG BIÊN TẬP BÁO TIỀN PHONG LÀ MỘT KẺ SIÊU LỪA ĐẤT HÀ THÀNH!?” (Văn chương +). “Nếu báo Tiền Phong không dũng cảm chịu trách nhiệm về việc làm vi phạm pháp luật của mình, để trả lại sự công bằng và bảo vệ danh dự cho người bị vu khống, Tòa án sẽ là người phán xét cuối cùng”.
6. - PHẢN HỒI TỪ BÀI VIẾT TRÊN BÁO TIỀN PHONG “ÂM MƯU GIẬT GIẢI NHỜ… ĐẠO VĂN NGƯỜI ĐÃ KHUẤT” (Văn chương +). “Chỉ tiếc là Báo Tiền Phong đã không rõ “ác tâm” của Minh Tâm, không kiểm chứng kỹ càng, đã đăng một bài viết sai sự thật, làm giảm uy tín của tờ báo đối với bạn đọc”.




No comments:

Post a Comment