.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, March 21, 2012

PHÊ BÌNH HÀN LÂM CỐ Ý XA RỜI VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI?

 
Với không khí ngày càng dân chủ hóa và đa dạng hóa về chủ thể phê bình như hiện nay thì tất cả mọi người – những người đọc, theo dõi các hoạt động văn chương đều có quyền viết phê bình. Cho nên, câu hỏi không phải là ai viết phê bình nữa mà là viết gì, viết như thế nào?

Theo chúng tôi, dù là phê bình truyền thông thì cũng cần đòi hỏi những tiêu chuẩn về một thứ “chất lượng phê bình” chứ không thể tùy tiện, kiểu ai muốn nói gì thì nói. Về vấn đề này, nhà văn Phạm Đình Ân khi được phỏng vấn đã nói rằng: “Hàn lâm hay không là ở chất lượng của vấn đề nêu ra, chứ không phải phương tiện truyền tải”, phê bình truyền thông mà chất lượng tốt thì vẫn mang tính hàn lâm, tính chuyên nghiệp chứ!

Nhìn vào các tờ tạp chí chuyên ngành về văn học trong mấy năm gần đây, có thể thấy giới phê bình hàn lâm (những người làm việc ở các viện nghiên cứu và các trường đại học) dường như xa rời với văn chương đương đại mà chủ yếu tìm lại những giá trị văn học đã được khẳng định trong quá khứ. Văn học đương đại dường như không phải là mảng được nhiều người quan tâm, chú trọng. Trên các tạp chí này hầu như vắng bóng những bài phê bình về các tác giả, tác phẩm mới xuất hiện. Trong khi đó mảng văn học này lại được quảng bá, giới thiệu thông qua những người là nhà báo phụ trách mảng văn học nghệ thuật ở các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, đài phát thanh và truyền hình, có khi cả các tờ báo không chuyên. Vì sao vậy? Vì văn học đương đại nước ta không có gì đáng nói hay vì giới phê bình hàn lâm cố ý lánh xa những điều họ chưa kịp định hình, chưa muốn tiếp nhận mà đối với họ là quá mới mẻ? Điều này quả là khó lý giải! Thường thì mỗi nhà phê bình cũng tìm cho mình những miền đất canh tác riêng để phát huy thế mạnh của họ.

Với sự phát triển rầm rộ, ồ ạt của các tác phẩm văn chương trên các phương tiện truyền thông đại chúng như hiện nay, các nhà phê bình cũng cần có một sự nhanh nhạy, một khả năng nắm bắt, cảm thụ tốt thì mới đáp ứng được nhu cầu về thị hiếu của người đọc, của sự phát triển văn học nói chung.

Phê bình hàn lâm và phê bình báo chí hiện nay vẫn chưa thực sự xích lại gần nhau bởi không có một sân chơi chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của nó. Những ý kiến phê bình, những bài phê bình ngắn gọn và cả những lời PR trên các website được đăng tải rộng rãi mà người truy cập internet chỉ cần search một cái là có thể thấy ngay; nhưng nhiều bài phê bình dài hơi của các nhà phê bình chuyên nghiệp thì có khi phải lục tìm tư liệu ở thư viện, ở các tạp chí văn nghệ mới thấy. Điều đó cũng làm hạn chế phần nào không gian tranh luận trực tiếp trên các báo hoặc web, mà sự tranh luận vốn là một yếu tố luôn cần cho bất cứ một nền văn học nào. Nó tạo nên sự sôi nổi trên các diễn đàn văn học. Thiết nghĩ, tạo một không gian chung cho các hoạt động phê bình văn học, cho các nhà phê bình được trực tiếp trao đổi, tranh luận là một điều cần thiết và nên làm. Trong vấn đề này, vai trò của các phương tiện truyền thông như internet có tác dụng rất lớn. Một tác phẩm văn học được đăng tải, ngay lập tức có những lời phê bình; một ý kiến được đưa ra, ngay lập tức có thể có phản hồi và tranh luận lại… Cả nhà văn - người sáng tác, độc giả - người tiếp nhận và nhà phê bình đều có thể giao tiếp trong một không gian mạng với những đối chất trực tiếp mà không cần gặp mặt nhau. Đã có một số diễn đàn văn học như thế nhưng thiết nghĩ, cần phải chú trọng hơn cho các hoạt động nghiên cứu phê bình.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển cao như hiện nay  thì vị thế của phê bình văn học cũng không còn được như trước đây, do sự thay đổi về mọi mặt (nhà phê bình, thế hệ phê bình…). Các nhà phê bình chuyên nghiệp, dù có cố gắng đến đâu, cũng không thể đi ngược lại xu thế của thời đại với sự thay đổi của cơ chế thị trường, mà phải tích cực thích nghi, tích cực phát huy vai trò của mình, nhằm nâng cao chất lượng của phê bình cũng như vị thế của nó hơn nữa.

Phê bình văn học cần làm tốt vai trò định hướng thẩm mỹ cho độc giả, nhất là trong thời đại mà các loại hình giải trí đa dạng, độc đáo nở rộ một cách tràn lan như hiện nay. Có như thế mới thu hút được những người đam mê, yêu văn chương. Đội ngũ các cây bút phê bình trẻ đang là một lực lượng có nhiều tri thức và cả tâm huyết cần được một sự định hướng tốt để ngày càng có nhiều người làm phê bình chuyên nghiệp, để có những bài phê bình thật sự có chất lượng tốt, đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nói chung.

TRẦN THỊ THỤC
Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ
(Nguồn: - http://phongdiep.net/)



No comments:

Post a Comment