.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, March 19, 2012

THƠ NHƯ ĐƯỜNG GƯƠM MÚA LƯỢN, ĐƯỜNG GƯƠM KHÔNG GƯƠM, VÀ ĐƯỜNG GƯƠM TUYỆT KỸ

 
I. Thơ như một xóa bỏ tận cùng, khác nào đường gươm không cần đến gươm - Nhà văn Mai Thảo được biết nhiều thời Văn Học Miền Nam từ năm 1956, vì ông là chủ nhiệm chủ bút tờ Tạp chí Sáng Tạo tại Sài Gòn. Ông là nhà văn sáng tạo của nhiều tập truyện ngắn. Ông còn là tiểu-thuyết-gia của những truyện tình dài. Nhưng ông coi thơ như tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương, nên ta không nói tới thơ của ông là một thiếu sót. Nơi bìa sau thi-phẩm của ông “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền” (xb. năm 1989 tại Nam California), có tóm tắt quan niệm thi-ca. Theo quan điểm của ông, cái "không còn gì nữa hết là thơ".

Quan điểm này rất gần với Đạo không diễn tả bằng ngôn ngữ thế gian được của Lão Tử, hay vô ngôn như "niêm hoa vi tiếu" của Phật Giáo Thiền Tông. Vấn đề này thật thâm viễn, xin không lạm bàn ở đây. Đi sát với quan điểm này, ông có những bài thơ thực sự như muốn xóa bỏ ngôn ngữ văn chương, xóa bỏ thẩm mỹ của nghệ thuật, xóa bỏ thi tính của thơ, vượt qua cảm nhận của thưởng ngoạn bình thường. Làm thơ như ăn như ngủ, rất gần với thơ Bùi Giáng mà ông có dịp nhắc đến (trong bài phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh về những điều ông biết về nhà thơ Đinh Hùng), ví dụ bài thơ dưới đây của Mai Thảo:

Đẩy linh cữu bạn vào lò hỏa thiêu
Trở về phòng riêng lấy rượu uống
Ly rượu không bạn buồn lạ lùng
Cứ uống như lúc bạn còn sống.
(Không Bạn)

Quả thật như một xóa bỏ thơ, không vần điệu, không trau chuốt ngôn từ. Nhưng đọc thấy thấm thía lúc chấm dứt dửng dưng của số kiếp con người. Ý tại ngôn ngoại. Mỗi người đọc có thể thấm thía một nội dung. Tiếp theo, một bài thơ khác:

Cánh rừng đang đổ gốc rồi gốc
Giờ đổ gốc nữa đổ cái xập
Đứng ngây nhìn cái đổ thế nào
Để tự đổ mày thấy đổ tao.
(Rừng Bạn)

Bạn bè lớp lớp như rừng rồi lần lượt ngã gục. Số kiếp đốn hết cây này đến cây khác. "Đổ cái xập" nghe thật tức cười, nhưng hàm ý nói sự chấm dứt mỗi đời người là vô phương chống đỡ. Cũng là ý tại ngôn ngoại; thể-cách biểu hiện niềm đau vô ngôn.

II. Thơ như một nghệ thuật trau chuốt: Đường gươm múa lượn - Ngược với các bài thơ có thể nói sát với quan điểm thi ca của ông đã kể trên, ông còn có các bài thơ thật trau chuốt. Các bài thơ “ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền - Chờ Đợi Nghìn Năm - Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại..”, có thể nói là cao điểm của nghệ thuật thi ca Mai Thảo. Những câu thơ đẹp lóng lánh như kim cương, trong đó ta thấy thấp thoáng cánh chim huyền sử, những thâm trầm thấu thị của siêu hình Phật Giáo:

- Sao không, hạt cát sông Hằng ấy
Còn chứa trong lòng cả đại dương
- Sao không, một điểm lân tinh vẫn
Cháy được lên từ đáy thẳm khơi
- Sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
Từ thuở chim hồng rét mướt bay
- Ta cúi đầu đi khỏi bãi đời
Như vì sao mỏi muốn lìa ngôi
Như thuyền xa bến vào muôn biển
Tới đáy rừng chôn giấc ngủ voi.

"Như thuyền xa bến vào muôn biển" gợi nhớ con thuyền bôn tẩu xa lánh đời sống văn minh."Tới đáy rừng chôn giấc ngủ voi" gợi nhớ hình ảnh các vị đại sư trong hang cốc trên núi, xa lánh cuộc đời huyên náo. Thơ với ông “ trọn đời như một tình yêu kín thầm, tới cuối đời mới chịu phơi bày ra ánh sáng”. Tâm sự này hình như ông đã gởi gấm vào bài  “Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại”.
                                                                                                                           III. Thơ như một đường gươm đơn sơ: Đường gươm tuyệt kỹ - Ba bài thơ sau đây đạt tới chỗ rất tự nhiên của Mai Thảo. Đạt tới chỗ tự nhiên nhưng hàm ý không phải tự nhiên mà có. Đường gươm gọn gàng tưởng chừng đơn sơ, không phải tự nhiên mà thành tựu:

Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in một bóng gầy.
(Không Tiếng)

Khía cạnh thơ vẫn có trong đời sống thường nhật. Tác giả bắt được thi tính đó. Nó thật với đời sống hằng ngày đi về nơi phòng trọ cũng là chỗ làm việc của ông. Vầng trăng tuần hoàn là người bạn lặng lẽ soi bóng tác giả vào góc tường. Gợi nhớ câu thơ của thiền sư Viên Chiếu: "Theo gió, tiếng còi luồng bụi trúc/Kèm trăng, bóng núi quá đầu tường” (Ngô Tất Tố dịch). Thảo mộc, vầng trăng, bóng người, xưa sau vẫn còn là thi tính, nguồn cảm hứng cho thi ca. Nó không mất tích trong huyên náo của cuộc đời. Ta phải biết bắt lấy. Toàn bài rất giản dị mà lại hay, từ dùng đơn sơ mà thi tính luân lưu tỏ rạng.

Nửa khuya đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trên giấc ngủ đen.
(Đợi Bạn)

Bài thơ hay ở tình bạn, ở từ dùng đắc địa, và vẫn khung cảnh có thi tính. Mưa thả đều và cầu thang để sáng đèn diễn được ý trông ngóng và thời gian dài chờ đợi. Ta hình dung một đêm mưa gió, các người bạn đang tới một phi trường bão rớt, mưa dằng dai...

Đi vắng từ xa trở lại nhà
Bộ đồ cũ mặc, ấm trà pha
Tựa lưng vào vách tường thân thuộc
Trong cõi riêng buồn thấy lại ta.
(Bộ Đồ Cũ Mặc)

Bài thơ hay ở chỗ buồn lắng của nội tâm. Sau những chuyến đi, sau những dặm dài của quãng đời, sau những công trình văn học, sau những vinh quang, có lẽ ông buồn vì cảm nghiệm trùng hợp ý tưởng của một nhà văn nào đó: "Đời người rốt cuộc đều là những đam mê vô ích". Ta không nghĩ như vậy. Bài thơ còn hay ở khí vị Đông Phương: "Bộ đồ cũ mặc, ấm trà pha". Tác giả tìm được một chút nhàn bên cạnh dòng trôi chảy của đời sống huyên náo, sát với quan niệm nhàn không cần phải tìm ở đâu xa: "Nguyệt lai môn hạ nhàn". (Ngắm trăng đến ngoài cửa, ấy là nhàn).

Đường gươm múa lượn tượng trưng cho thơ của nghệ thuật trau chuốt, giống kiếm pháp của người Tây Phương ta có dịp thấy qua trên màn ảnh, như trong phim “Scaramouche” (Phim sản xuất năm 1952). Còn đường gươm xóa bỏ đường gươm, chỉ còn là những đường bay của tinh lực; tượng trưng cho quan điểm thi ca rất gần với Đạo Học, giống như "Tịch tà kiếm pháp" hoặc "Hấp tinh đại pháp" rất huyền bí mà ta dó dịp đọc qua trong các “truyện võ hiệp Kim Dung”. Cuối cùng là đường gươm nhanh gọn tưởng như giản dị đơn sơ, tượng trưng cho nghệ thuật qua đó thơ làm lộ ra thi-tính trong cái thật của cuộc sống thường nhật. Đó là đường gươm không xóa bỏ phương tiện đao kiếm, còn chập chờn hình dạng ở cách thủ thế, nhưng một khi vung tay thì nhanh gọn nên ta có cảm tưởng rất đơn sơ, không còn dấu vết của kỹ thuật tập luyện. Thơ giản dị mà thật ra tuyệt kỹ, giống kiếm pháp của các võ sĩ đạo Nhật Bản. Như ta từng thấy trong phim “The seven Samurai” (Phim sản xuất năm 1954), con mắt võ sĩ samurai lườm lườm tìm sơ hở của tên cướp đang thủ kiếm, và chỉ một loáng gươm thì đối thủ gục ngã./.
                                             
(Trích Tạp chí Hợp Lưu, số 16 về Văn nghiệp nhà văn Mai Thảo, tháng 4+5 năm-1994, Nam California)

TRẦN VĂN NAM

No comments:

Post a Comment