.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 26, 2012

DƯƠNG TƯỜNG – DỊCH TỐI NGHĨA HAY SAI Ý?

“Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita”. Không hiểu một người Việt bình thường có hiểu nổi “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” là cái gì hay không”?
Đó là đoạn văn gây ra tranh cãi, rất nhiều độc giả sau khi đọc bản gốc của tác phẩm này đều cho rằng, tại sao dịch giả Dương Tường lại không hiểu nổi cái giấy tờ tùy thân là giấy gì mà lại đi dịch sát với câu chữ “on the dotted lines” giống như trong bản gốc? 

Với những độc giả biết tiếng Anh thì tiểu thuyết “Lolita” vốn không xa lạ, bởi lẽ tác phẩm này được rất nhiều các diễn đàn mạng chia sẻ bởi sự nổi tiếng “đóng mác” Vladimir Nabokov. Với những người biết tiếng Anh, dĩ nhiên, ai cũng hiểu “in the dotted line” chính là trên giấy tờ tùy thân, một số trường hợp khác, có thể hiểu là giấy khai sinh, hay giấy kê khai...
Với rất nhiều độc giả ở Việt Nam, tiếp cận “Lolita” bằng bản tiếng Việt của dịch giả Dương Tường đều có chung thắc mắc: “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” là cái gì? Có thể, sau khi đọc hết cuốn sách, độc giả có thể hiểu, có thể không hiểu nhưng nếu cho rằng, “trên dòng kẻ có những dấu chấm” là dịch sai, thì chắc không phải.

Theo dịch giả Hương Ly (người dịch cuốn “Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu”) cho rằng: “Đó là chi tiết gây tranh cãi chứ không phải lỗi sai. Cũng có thể dịch giả Dương Tường cho rằng, dùng như thế mới sát được bản gốc của “Lolita”.
Về phía độc giả, cũng chia ra luồng tranh cãi: Dương Tường dịch sai và Dương Tường dịch rất hay. Ở khía cạnh Dương Tường dịch sai, phần đông độc giả cho rằng, họ không hiểu ý của đoạn văn đó, họ cũng không được tiếp cận bản gốc để so sánh và tìm hiểu hết ý nghĩa đoạn văn đó, trên danh nghĩa độc giả đơn thuần và đọc bản dịch tiếng Việt, thì nếu cho là không sai thì câu văn đó, hoàn toàn tối nghĩa. Còn những độc giả cho rằng, Dương Tường dịch hay, đều vin vào tính văn học và dịch như vậy, mới đúng tinh thần của tác phẩm “Lolita” và hành văn của nhà văn Vladimir Nabokov.

Dĩ nhiên, để phổ biến một tác phẩm bằng tiếng Việt với đại đa số độc giả chưa được tiếp cận với bản gốc, hẳn dễ hiểu phải là vấn đề cần được giải quyết đầu tiên. Sẽ khó có thể đưa ra nhận định dịch sai nhưng nếu tối nghĩa hay không rõ nghĩa với đa số độc giả, thì đây không hẳn là nhận định không có cơ sở.

Việc dịch sai hay “thảm họa dịch thuật” vốn dĩ đã được truyền thông phản ánh nhiều, đa phần rơi vào các dịch giả trẻ, thiếu hiểu biết về ngôn ngữ và vốn sống để có sự uyển chuyển trong ngôn ngữ. 

Sự việc của dịch giả kỳ cựu Dương Tường trong “Lolita” được nhiều dịch giả cho rằng, đó là điểm gây tranh cãi, còn nếu bảo dịch sai thì hơi thiếu căn cứ, bởi dù là tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc hay Nga… thì ngôn ngữ luôn biến hóa và đa tầng ý nghĩa. Hơn nữa, với điểm gây tranh cãi của Dương Tường, cũng có nhiều độc giả hiểu được ý và nghĩa của câu văn đó, chứ không hẳn ai cũng "bó tay".

T. NGUYỄN

Nguồn: Nông Nghiệp VN số ra ngày 25-4-2012

No comments:

Post a Comment