.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, April 4, 2012

NGƯỜI ĐỌC VÀ QUAN TÂM TỚI PHÊ BÌNH BUỘC PHẢI CÓ SỨC ĐỀ KHÁNG TỐT


Lẽ ra trong rất nhiều bài viết gửi về cộng tác, thì chỉ những bài phê bình đúng nghĩa, tức là những bài giàu tính chuyên môn khoa học, giàu tính biện chứng khách quan mới được chọn đăng thôi chứ. Chính năng lực yếu kém cộng với thái độ dễ dãi, lối làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm của những người phụ trách mảng phê bình trên báo chí đang làm nên thực trạng nhiễu loạn nói trên.

Lỗi trước tiên thuộc về các biên tập viên mảng phê bình
* Chuyên đề về sự nhiễu loạn phê bình văn học trên báo chí hiện nay do Văn nghệ Trẻ tổ chức đã thu hút được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều nhà văn, nhà thơ. Tuy nhiên chúng tôi vẫn muốn nghe nhiều những ý kiến từ những người làm phê bình chuyên nghiệp. Vì vậy chúng tôi mời tham gia cuộc trò chuyện này một nhà phê bình đã có thâm niên – là anh Văn Giá; và một nhà phê bình còn rất mới, rất trẻ - anh Hoàng Đăng Khoa. Xin hỏi, với tư cách là người làm phê bình chuyên nghiệp, các anh nghĩ gì về thực trạng phê bình văn học trên báo chí hiện nay?
- Hoàng Đăng Khoa: Trước hết cần phải tường minh rằng, tôi không/chưa phải là người làm phê bình chuyên nghiệp. Từ điểm nhìn của người quan tâm mảng phê bình và thỉnh thoảng có làm phê bình, tôi rất đồng ý với nhận định cho rằng phê bình văn học trên báo chí hiện nay đang có sự nhiễu loạn. Mà theo tôi, chịu trách nhiệm trước hết về thực trạng đáng báo động này phải là những biên tập viên mảng phê bình trên báo chí hiện nay.
Văn Giá: Theo cách phân chia truyền thống, có ba loại phê bình: Phê bình hàn lâm (đa số là những nhà nghiên cứu, các giáo sư các trường đại học, các viện nghiên cứu), phê bình nghệ sĩ (do chính giới sáng tác viết), và cuối cùng là phê bình báo chí (do các nhà báo và công chúng tiếp nhận viết). Nếu hình dung như thế thì mức độ nhiễu trầm trọng nhất là phê bình báo chí, rồi tăng dần ngược qua phê bình nghệ sĩ tới phê bình hàn lâm. Có thể nói, hiện nay, hơn bao giờ hết, những bài bình luận, đưa tin, đánh giá về văn học trên báo chí do các nhà báo và công chúng đủ loại đang tha hồ làm mưa làm gió. Loại phê bình này, có cái được của nó ở chỗ nó chính là gương mặt thường nhật của văn chương, nó mang tính thông tấn, nghĩa là thời sự, cập nhật. Nó không có tham vọng, và hầu như không có khả năng chỉ ra được những khái quát có giá trị về quy luật, khuynh hướng nghệ thuật, về những vận động thẩm mỹ. Trong khi đó, thật nghịch lý, công chúng đông đảo lại xem phê bình báo chí chính là toàn bộ hoạt động phê bình. Khá nhiều trường hợp, nó làm nhiễu loạn đời sống văn chương. Như vậy, cũng giống như phê bình nghệ sĩ, phê bình báo chí không có tư cách đại diện cho nền phê bình. Chỉ có loại phê bình thứ nhất mới đủ tư cách mang tính đại diện. Thời nào và ở đâu cũng vậy.
Tuy nhiên cũng phải nói thêm để đỡ có sự hiểu lầm: sự phân chia trên kia cũng chỉ là tương đối, và có không ít trường hợp có sự chuyển hóa theo nhiều hướng khác nhau. Ví dụ có những nhà phê bình mang danh chuyên nghiệp, nhưng viết có những bài mang tính chất phê bình báo chí, và ngược lại…Ở đây, nếu được bàn đầy đủ, trước hết là nói đến các kiểu phê bình, sau đó là nói đến chức năng và chất lượng của mỗi kiểu phê bình ấy. Nhưng đây là câu chuyện dài dài.
* Tình trạng phê bình văn học “trăm hoa đua nở”, ai cũng có quyền thẩm bình, nhận định - theo các anh tạo ra những cơ hội và đặt ra những nguy cơ gì cho sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học nước nhà?
Hoàng Đăng Khoa: Cơ hội, đó là một bầu không khí dân chủ, cởi mở, giàu tính đối thoại trong đời sống văn học được thiết tạo. Còn nguy cơ, đó là khi những cơ hội trên bị lạm dụng. Mà, như đã nói, lỗi thuộc về các biên tập viên mảng phê bình. Đúng, quyền thẩm bình, nhận định về một hiện tượng văn học là không của riêng ai. Nhưng lẽ ra trong rất nhiều bài viết gửi về cộng tác, thì chỉ những bài phê bình đúng nghĩa, tức là những bài giàu tính chuyên môn khoa học, giàu tính biện chứng khách quan mới được chọn đăng thôi chứ. Chính năng lực yếu kém cộng với thái độ dễ dãi, lối làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm của những người phụ trách mảng phê bình trên báo chí đang làm nên thực trạng nhiễu loạn nói trên.
Văn Giá: Về cơ hội, nó tạo ra cách nhìn nhiều chiều, nhiều cấp độ nhìn nhận, đánh giá về các tác phẩm văn học. Nó tập dượt tinh thần dân chủ trong tiếp nhận văn chương. Dù gì thì gì, nó còn hơn tác phẩm rơi vào im lặng. Nhất là khi sử dụng các tiếng nói phê bình trên một số trang mạng, thì nó có khả năng kích hoạt tranh luận, trao đổi, chia sẻ rất sôi động, thậm chí khá xôm trò, nhất là thông qua các comment.
Tuy nhiên, nó cũng vấp phải những nguy cơ, mà trên thực tế đã diễn ra: việc tham gia bàn luận thiếu trách nhiệm hoặc những tranh luận thiếu tư cách văn hóa. Biết làm sao được. Những người đọc và quan tâm tới phê bình buộc phải có sức đề kháng tốt, nghĩa là có khả năng đánh giá, lựa chọn và đào thải. Nếu không, anh rất dễ hoang mang trước đời sống phê bình hôm nay.

Nếu bảo phê bình không theo kịp sáng tác cũng là tất yếu thôi.
* Rất nhiều người đặt câu hỏi : dường như có khá nhiều nhà phê bình chuyên nghiệp rất thờ ơ với các hiện tượng/ tác phẩm văn học gây tranh cãi. Bạn đọc cần những tiếng nói đánh giá mang tính chuyên môn từ họ, nhưng… Các anh nói sao về điều này?
Hoàng Đăng Khoa: Theo tôi (đoán) thì họ không thờ ơ đâu, chẳng qua là thực trạng nhiễu loạn của phê bình, rộng hơn là của đời sống văn học hiện nay đang làm cho họ ngán ngẩm đó thôi. Họ không thể hiểu nổi tại sao người ta viết phê bình như thế mà vẫn viết được; tại sao viết như thế mà báo chí vẫn cho đăng được; tại sao cái tập thơ nói bộ ngô nghê thật thà nghĩ sao nói nấy ấy mà tác giả của nó lại được nhiều người xúm vào “khen nghi ngút”; tại sao cái tiểu thuyết tầm tư tưởng như thế, lay động, thức tỉnh như thế mà lại bị người ta nhảy vào “đánh hội đồng”… Trước hiện trạng nhôm nhoam như thế, nhiều nhà phê bình rất có chuyên môn như chị nói đã chọn cho mình cách hành xử đó là không “mở miệng” (vì họ nghĩ chẳng đi đến đâu, chẳng giải quyết được gì).
Văn Giá: Tôi nghĩ không phải do họ “thờ ơ” như chị nói đâu. Mà thực chất là họ không đọc xuể, hoặc đọc rồi thì cũng không nghĩ xuể, viết xuể. Chị đi hỏi các nhà phê bình chuyên nghiệp xem, chắc chắn chị sẽ tin điều này: không một hiện tượng văn học nào, không một tác phẩm “gây tranh cãi” nào mà họ không biết đâu. Họ biết hết đấy. Có điều sức người có hạn. Mỗi người làm phê bình cũng như tất cả mọi người, chúng ta là một cá thể rất hữu hạn, rất cụ thể trong những quan hệ xã hội thường nhật. Làm sao anh có thể quan tâm đến nơi đến chốn được tất cả những gì anh biết.
Tôi lấy ví dụ nhé. Chỉ trong dịp trước và sau Tết âm lich 1 tháng thôi, có bao nhiêu tác phẩm khác nhau mà lẽ ra mỗi người làm phê bình đều cần phải lên tiếng: nào 8 tác phẩm văn xuôi, thơ, LLPB được giải của Hội nhà văn VN, mới đây lại 3 tác phẩm đoạt giải Hội nhà văn Hà Nội; rồi một số tác phẩm tuy không vào Giải nhưng nào có kém cạnh ai, cũng cần được phê bình đề cập đến như Buổi câu hờ hững (Nguyễn Bình Phương), hoặc một số tác phẩm khác cũng tạo được chú ý của người đọc. Ấy là chưa kể đến hệ thống sách dịch. Rồi còn những việc như tham dự các buổi tọa đàm, hội thảo, lễ ra sách, các buổi sinh hoạt văn chương…của các cá nhân, các công ty, các nhà sách, các trung tâm văn hóa tư nhân hoặc của L’espace, Hội đồng Anh, Viện Gớt, của các trường Đại học, các Viện nghiên cứu tại địa bàn Hà Nội. Có thể nói chỉ những việc đi cho đủ (mà không ai đi đủ cho được) trong một tuần thôi cũng phát ốm.
Mà số người làm phê bình được gọi là chuyên nghiệp, than ôi, đếm đốt chưa hết hai bàn tay. Trong khi đó, người sáng tác có đến trên dưới 1000 (căn cứ vào số lượng hội viên, và cộng thêm với những người viết chưa phải hội viên). Với tỉ lệ này, nếu bảo phê bình không theo kịp sáng tác cũng là tất yếu thôi.
* Khi phê bình không theo kịp sáng tác, liệu nó có gây ra hậu quả gì không?
Hoàng Đăng Khoa: Theo tôi hậu quả là nó không kích thích được sáng tác, không định hướng được dư luận. Tác phẩm thành công không được kịp thời phát hiện, bênh vực, khẳng định. Xu hướng thể nghiệm mới không được kịp thời gọi tên… Tác phẩm vớ vẩn, phi văn học không bị kịp thời rung chuông, bật đèn vàng… Tóm lại là góp phần làm cho đời sống phê bình nói riêng, đời sống văn học nói chung ngày một… nhiễu loạn.

Nên biết im lặng để cho đỡ nhiễu
* Sự vào cuộc chậm trễ, thậm chí là thờ ơ và bàng quan của người làm phê bình (văn học) trước những vấn đề “nước sôi lửa bỏng” của đời sống văn học – liệu có biện pháp nào để thay đổi?
Hoàng Đăng Khoa: Thứ nhất là phải chấn hưng thực trạng phê bình văn học, kiến tạo một môi trường lành mạnh trong sinh hoạt phê bình, ở đó chỉ có tính chuyên môn học thuật và cách tiếp cận nhân văn (GS. Trần Đình Sử đã từng nói rất thấm thía rằng, đối với khoa học nhân văn, chỉ có cách tiếp cận nhân văn thì mới tránh khỏi cọc cạch), có như thế mới kéo được những nhà phê bình giàu chuyên môn, giàu tự trọng vào cuộc. Thứ hai là phải chuyên nghiệp hóa những người làm phê bình bằng những chế tài khả dĩ. Nghề phê bình phải trở thành một nghề chính thức, người làm phê bình được nhà nước trả lương xứng đáng, anh ta có thể chuyên tâm thực hành nghề nghiệp của mình, chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước và trước bạn đọc về công việc, sản phẩm phê bình của mình. Thứ ba là đội ngũ những người phụ trách mảng phê bình ở các báo, tạp chí phải bao quát được đời sống văn học đang diễn ra, nhận diện được đâu là vấn đề “nước sôi lửa bỏng”, và với từng vấn đề sôi bỏng ấy thì ai trong số lực lượng làm phê bình hiện tại có thể vào cuộc một cách “sắc” nhất, từ đó kịp thời liên hệ, mời gọi, đặt bài cho nhà phê bình mà mình tin cậy ấy. Thứ tư là phải nghiên cứu lại chế độ nhuận bút đối với các bài phê bình trên báo chí hiện nay.
* Theo các anh, trách nhiệm của các nhà phê bình chuyên nghiệp trước sự chuyển động phức tạp, đa dạng của đời sống văn học hiện nay là gì?
Hoàng Đăng Khoa: Cũng cần phải dừng lại tường minh một chút, thế nào là nhà phê bình chuyên nghiệp? Ví dụ, nghề nghiệp của tôi là dạy học, tôi chỉ tranh thủ viết phê bình những lúc thấy rảnh, thấy thích, thấy có thể viết được, đương nhiên tôi không phải và còn lâu mới là nhà phê bình chuyên nghiệp. Anh Nguyễn Chí Hoan ở báo Văn nghệ chẳng hạn, nhà nước trả lương để anh ấy biên tập mảng phê bình cho tờ Văn nghệ, anh ấy lại được biết đến vì những bài phê bình mà mình công bố, vậy có thể gọi anh ấy là nhà phê bình chuyên nghiệp được không?
Trách nhiệm (nếu có) của các nhà phê bình có chuyên môn cao đó là góp phần làm giảm thiểu thực trạng nhiễu loạn của đời sống phê bình, rộng ra là đời sống văn học hiện nay như đã nói.
Văn Giá: Xét kỳ cùng lý, chúng ta cũng chưa có nhà phê bình chuyên nghiệp đâu. Phê bình chuyên nghiệp phải thực sự sống thường xuyên với đời sống văn học, phải có những diễn đàn lương thiện đảm bảo cho những phát ngôn trung thực của giới phê bình được lên tiếng, phải sống được bằng nghề phê bình. Nhưng ở ta hiện nay, những điều vừa rồi đã có thực chưa? Có thể thấy 100% người làm phê bình đều sống bằng/cho các nghề khác như dạy học, làm nghiên cứu viên, làm cán bộ quản lý văn nghệ… Họ bị phân tán và bị rút kiệt sức lực cho các công việc có tính viên chức thường là chẳng dính dáng gì đến văn chương cả.
Chúng ta bàn quá nhiều đến câu chuyện nâng cao chất lượng phê bình rồi, nhưng thật khó, và cũng mệt mỏi. Mà tại sao chỉ có nói phê bình nhiễu loạn. Văn chương nói chung cũng đang nhiễu loạn chứ. Nó nằm trong sự nhiễu loạn tổng thể của toàn xã hội, đặc biệt là vấn đề đạo đức và văn hóa.
Làm sao thay đổi được tình trạng phê bình này ư? Tôi nghĩ là vô cũng khó. Tuy nhiên thì tôi cũng nêu lên hai điểm (cần làm ngay): Thứ nhất, đối với người đang làm phê bình, cố gắng nghĩ và viết ra được cái gì thật tử tế thì hãy công bố; còn nếu không nghĩ ra được cái gì thật tử tế, thì hãy nên biết im lặng, im lặng để cho đỡ nhiễu. Thứ hai, giới những người sáng tác cũng không nên quay sang chỉ trích giới phê bình mà hãy lo sao viết cho tác phẩm thật hay. Đừng bao giờ sợ tác phẩm của mình hay mà giới phê bình không biết đến. Nhà thơ Chế Lan Viên chả đã từng nói: Tác phẩm hay cũng như người con gái đẹp đi đâu cũng lấy được chồng đấy thôi.
*Những vấn đề được bàn thảo trong cuộc trò chuyện hôm nay rất đáng để chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ. Một nền văn học phát triển lành mạnh khi cả sáng tác và phê bình cùng đồng hành phát triển. Chúng ta cũng mong muốn rằng chất lượng biên tập mảng văn học ở các tờ báo ngày càng nâng cao, để có thể mang đến cho bạn đọc những bài viết chất lượng. Xin cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện này.
Kỳ Phong thực hiện
Nguồn: Văn nghệ Trẻ.

No comments:

Post a Comment