.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, May 19, 2013

NHÀ THƠ ANH CHI: ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VÀ TÂM SỰ VỚI INRASARA

Đọc một số bài viết của chúng tôi đăng trên báo Nhân Dân cuối tuần, nhà thơ Inrasara đã viết bài “Phê bình phê bình”. Đọc bài viết của anh, trên Nhân Dân cuối tuần hai số 18 và 19, chúng tôi thấy cần trao đổi lại đôi điều cho sáng rõ và “hi vọng mang lại lợi ích thiết thực cho văn học nước nhà” (chữ của Inrasara)

I. Thơ sống được là nhờ bạn đọc tiếp nhận và yêu thích nó
Chúng tôi muốn trao đổi với Inrasara về những ý tứ anh đã viết. Trên Nhân Dân cuối tuần số 13 năm 2013, chúng tôi viết: “…“thể nghiệm cô đơn, thể nghiệm đâu đâu, còn thể nghiệm ân hận, thể nghiệm trong hầm và bùn, thể nghiệm cuối cùng, thể nghiệm thèm…”; rồi: “Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần. Chửi thề. Con gà quay con gà quay”…Với kinh nghiệm văn học của mình chúng tôi nghĩ, những câu ấy không có họ hàng, dây mơ rễ má gì với thơ ca Việt Nam ta”. Nhưng, Inrasara trich chỉ có nửa câu sau mà chúng tôi dẫn: “Bão loạn. Lốc dù…con gà quay con gà quay”. Tiếp theo, anh bỏ ý nửa câu đầu mà chúng tôi viết, thay bằng nửa câu khác: “Đó là những câu Anh Chi cho là “mới đến tắc tị”, rồi mới viết tiếp “và không có họ hàng… với thơ ca Việt Nam ta”. Mục đích dẫn văn người khác theo kiểu chắp vá của Inrasara, chỉ anh mới biết. Thực không hay lắm, điều đầu tiên trao đổi với Inrasara là chúng tôi xin khuyên anh một câu: “Trích dẫn văn người khác thật chuẩn mới là biết tự trọng và tôn trọng người đọc”.
Để nhấn mạnh “cách nghĩ khác” (với chúng tôi), Inrrasara  đưa ra khá nhiều lý lẽ, để rồi đi đến nhận định: “Nhà thơ hiện đại thấy như thế (như thị quán) và viết như thế. Những câu chúng tôi chê, anh lại khen, đó là điều bình thường, ai cũng có quyền viết về nhận định của mình và tự chịu trách nhiệm trước người đọc. Chúng tôi thấy cần trao đổi với Inrasara về đoạn văn anh viết tiếp: “Thơ hiện đại phản ánh đời sống con người toàn diện, cả tình cảm, bản năng lẫn tâm linh, biểu hiện đa diện và đa dạng qua trực giác, vô thức lẫn tiềm thức. Chúng cần đến cách viết khác, đòi hỏi nhà thơ sáng tạo ngôn ngữ khác, và như thế – cần đến một cách đọc khác”. Vậy, theo anh, thơ của các thi sĩ lớn từ thời Thơ mới như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Huy Cận… cho đến các nhà thơ Thời chống Pháp như Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Hữu Loan… và nhiều nhà thơ Thời chống Mỹ (cả những nhà thơ lặng lẽ đi bên thơ chống Mỹ) như Văn Cao, Hoàng Cầm, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh… không phản ánh đời sống con người toàn diện, cả tình cảm, bản năng lẫn tâm linh ư? Hãy đọc lại những câu thơ: Hồn ai trú ẩn ở đầu ta? (Chế Lan Viên), Xin dâng này máu đang tươi/ Này đây nước mắt nụ cười chen nhau (Hàn Mặc Tử), Có con chim gì trong tóc nó nhảy nhót hót chơi/ A nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ (Tố Hữu), Ơ, những người/ Đen như mực/ Đặc thành keo/ Tròn một củ/ Mặt rẹt một đường gươm (Trần Mai Ninh), Chuông chiều cởi yếm/ Chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê mười ngón tay măng (Hoàng Cầm), Bây giờ anh trong suốt như không khí/ Như gió hoang không hình không giới hạn (Lưu Quang Vũ), Sống một ngày lội qua cả kiếp người (Hữu Thỉnh), Thôi thông ở lại với trời/ Ta về phố chợ với người hồng nhan (Vũ Quần Phương)… có thể dẫn rất nhiêu, rất nhiều những câu thơ hay như vậy. Và chúng tôi muốn nêu vấn đề: chả nhẽ những câu thơ dẫn ở trên không biểu hiện đa diện và đa dạng qua trực giác, vô thức lẫn tiềm thức sao?!
Câu tiếp theo, Inrasara viết: “Thơ hiện đại chưa được bạn đọc ưa chuộng, chưa vào được người đọc đương thời, là điều không khó hiểu: độc giả hôm nay chưa được chuẩn bị để đón nhận nó”. Ở đây, cần minh định từ Thơ hiện đại mà Inrasara dùng, nói đến thơ thời đoạn nào? Như cách nhận định của Xuân Diệu “Tản Đà là thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại”, vậy cách phân kỳ “Thơ hiện đại” của Inrasara có khác không? Chúng tôi rất phân vân. Dựa vào câu “Thơ hiện đại chưa được bạn đọc ưa chuộng, chưa vào được người đọc đương thời”, chúng tôi nghĩ, Inrasara đang viết về thơ “ hiện đại chủ nghĩa” của một số nhà thơ đương đại. Nếu đúng ý của Inrasara là thế, thì chúng tôi rất mừng, vì thấy anh nhận định gần đúng như tôi đã viết về thơ Hoàng Hưng, thơ Đặng Đình Hưng…Còn cái ý “độc giả hôm nay chưa được chuẩn bị để đón nó”, chúng tôi không hiểu là họ chưa được chuẩn bị về văn hóa, hay chuẩn bị về cái gì? Nếu về văn hóa, chúng tôi cho rằng, người Việt Nam hôm nay có trình độ chung cao hơn so với trước đây, cao hơn nhiều so với thời Thơ mới, thời Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Vậy họ phải chuẩn bị cái gì để đón nhận thơ hiện đại chủ nghĩa? Thưa Inrasara, thực tế đời sống thơ ca hiện đại Việt Nam cho thấy rất rõ, khi khai mở trào lưu Thơ mới, Thơ kháng chiến chống Pháp, rồi thơ kháng chiến chống Mỹ nữa, lập tức người đọc rộng rãi đã đón nhận nồng nhiệt, (ngay cả thơ kinh dị, thơ điên, thơ huyền diệu cũng được độc giả đón nhận và yêu mến ngay khi nó mới ra đời). Chúng tôi xin nhấn mạnh, trong các nhà thơ được nhiều thế hệ độc giả Việt Nam yêu quý, có nhiều nhà thơ tiếp thu cái đẹp về văn hóa của chủ nghĩa Lãng mạn, chủ nghĩa Tượng trưng, chủ nghĩa Siêu thực… (Các tác giả những câu thơ mà tôi vừa trích dẫn trên cũng nằm trong số đó). Cho rằng độc giả hôm nay chưa được chuẩn bị để đón nhận thơ hiện đại chủ nghĩa, thì Inrasara cùng các bạn viết đồng chí hướng với anh nên đổ công sức tìm ra cách nào đó để “chuẩn bị” cho họ tiếp nhận thơ ấy đi. Nếu không cố mà làm được điều đó, thì thơ ấy chết mất, thật đấy.
Mọi lý sự đều màu xám. Thực tế đời sống cho thấy, thơ chỉ sống được khi độc giả tiếp nhận và yêu thích nó. Là một tác giả văn chương, trước hết phải biết trân trọng người đọc. Nhìn ra ngoài biên giới nước ta một chút để thấy một bài học thơ ca, là trường hợp thi hào V. Maiakovsky. Thời kỳ đầu , V. Maiakovsky gắn bó với chủ nghĩ Vị lai, “một trường phái nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, mang nặng tư tưởng hư vô, vô chính phủ” (Từ điển Văn học, tập 1, NXB Khoa học Xã hội-1983). Nhưng rồi ông đã đoạn tuyệt với Vị lai, hòa mình vào đời sống và viết những bài thơ cần thiết cho người đương thời. Thơ ông được người đời yêu chuộng đến mức Bà nội trợ trên xe khách cũng sốt sắng hỏi han: “Bác có đi nghe Maiakovsky không đấy?” (Theo Maiakovsky như tôi được biết của Ilya Erenburg, Đăng Bẩy dịch). Vậy đấy, thơ viết vì những con người đang sống quanh ta và được người đọc yêu chuộng thì mới sống được!
Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy Inrasara bỗng đề cao nhóm Sáng tạo (do nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và nhà văn Mai Thảo chủ trì những năm trước 1975 ở miền Nam) bằng cách, trước tiên là chê trách học giả Nguyễn Hiến Lê: “Kinh nghiệm đọc của Nguyễn Hiến Lê với nhóm Sáng tạo là một bài học nhỡn tiền…vị học giả khả kính cho rằng các tác giả theo phong trào này chẳng làm gì ra hồn cả, ngoài món lập dị”. Sau đó, không cần chứng minh gì cả, anh khẳng định: “Thế nhưng, ở miền Nam chính nhóm Sáng Tạo chứ không ai khác (có) công lớn trong nỗ lực chuyển hướng và phát triển thơ Việt hậu bán thế kỷ XX”. Inrasara viết rất chủ quan, chí ít, phải viết “…phát triển thơ miền Nam (cũ)”. Bởi, thời kỳ đó, ngoài Bắc, Văn Cao, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Cung… đang dốc lòng cách tân ngôn ngữ thơ, và thực tế cho thấy họ đạt được hiệu quả rất đáng trân trọng. Thứ nữa, Inrasara đưa ra nhận định không cần chứng minh để đề cao thơ của nhóm Sáng tạo, nhưng lại quên mất rằng, trên Tạp chí Nhà văn số 6, năm 2012, anh viết bài Thơ Việt, sau hiện đại – hậu hiện đại làm gì?, trong tiểu mục 4. Thơ hiện đại gẫy cánh, không chỉ vì tối nghĩa và khó hiểu, anh trích Thanh Tâm Tuyền: Cuối đêm/ em rũ tóc nói lời mê sảng/ những ám hiệu/ của mặt biển đen không tình yêu tuyệt vọng/ anh xé tóc em cùng những cánh lá chết/ mùa thu/ gây thương tích nơi cườm tay/ anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc. Anh trích cả thơ Tô Thùy Yên, thơ Trần Dần, thơ Đặng Đình Hưng, và trích cả Hoàng Hưng: Bão loạn. Mùa vàng. Te tua. Nhừ giấc/ Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Dạt tóc. Liên lục địa sầm. Tìm, chết, đi/ Bão loạn. Dứt tung tay. Óc lói. Lơ láo tù về lạc thế kỷ. Sương đầm đẫm tóc miên mai… Và rồi, anh đưa ra nhận định: “Các đoạn thơ vừa trích dẫn là rất tiêu biểu cho sáng tác hiện đại Việt. Dẫu vậy, hơn nửa thế kỷ đi qua, chúng vẫn là những gì khó tiếp nhận”. Vâng, hơn nửa thế kỷ đi qua, người đời vẫn “khó tiếp nhận”. Như vậy, thơ ngắc ngoải những hơn 50 năm rồi, mà chưa gọi là chết ư?! Nay, lại biểu dương nhóm Sáng Tạo và Hoàng Hưng, chả nhẽ, từ tháng 6 năm 2012, mới vài tháng, mà Inrasara đã từ hệ mỹ học này nhảy sang hệ mỹ học khác sao?!
II. Để thực sự là một giá trị, thơ phải hay và đẹp
Inrasara đưa ra ý kiến về một “hiện tượng”, ngôn ngữ của anh dễ khiến người đọc nghĩ, có vẻ như “nó” đang diễn ra trong đời sống văn học hiện nay : “Một nền văn học lành mạnh khi mọi trào lưu văn chương được đối xử công bằng. Thái độ công bằng cần thiết của độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị hợm (không thuộc hệ mỹ học truyền thống) vào các loại thơ cách tân để chê trách nó. Họ cần từ bỏ chấp nê vào hàng đống bài thơ “cách tân” kém để quy trách trào lưu này “mang tính chất phá hoại”, phản (chuyển động). Hệ mỹ học nào bất kỳ chỉ có thể bị vượt qua khi phần vô ngôn chưa được nói của nó được phơi mở trọn vẹn qua sáng tác ưu tú nhất thuộc về hệ mỹ học đó”. Đọc ba câu văn trên, chúng tôi thấy có phần khó hiểu, tác giả viết về ai, về cái gì? Chúng tôi thấy ngờ ngợ, phải chăng Inrasara trách hận độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) nào đó? Hay anh coi nền nền văn học đương thời của ta không được lành mạnh, đòi hỏi nó phải lành mạnh?.. Riêng một điều chúng tôi thấy rất rõ là, Inrasar viết một cách phiếm chỉ về nhà phê bình văn học nào đó nói riêng và nền văn học của ta là chưa công bằng, lành mạnh nói chung. Chúng tôi nghĩ, chính Inrasara không công bằng, lành mạnh. Bởi, trên diễn đàn trao đổi, anh có thể nói cụ thể ai đồng hóa mọi sáng tác dị hợm (những sáng tác nào dị hợm) vào các loại thơ cách tân (các tác phẩm cách tân nào) để chê trách nó. Rất tiếc, anh đã viết một cách phiếm chỉ!
Trong bài viết của chúng tôi trên Nhân Dân cuối tuần số 14, có nói về thơ Nguyễn Quang Thiều, đã nhận xét thơ Nguyễn Quang Thiều chưa hay, và mạnh dạn góp ý rằng: “ Khi thơ chưa hay, nếu nhà thơ được cổ vũ, đề cao nhiều, hãy tỉnh táo. Minh mẫn nhất là nhìn lại thơ mình, và cố tìm hiểu vì sao nó chưa hay. Được như vậy thì thật đáng mừng”.
Ở đây, chúng tôi không viết về Nguyễn Quang Thiều, mà viết về Inrasara, người nói nhiều về sự nhìn nhận thơ theo hệ mỹ học, đã bình luận về thơ Nguyễn Quang Thiều: “Sự thiếu tạo nên chông chênh của nhịp thơ. Cái hay của thơ Trúc Thông là cái hay thiếu, Thiều thì ngược lại, cái hay của sự thừa. “Những chiều xa quê  tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho hai hốc mắt tôi như hai ổ cá bống được dàn dụa nước mưa sông” (Sự mất ngủ của lửa, 1992)…”. Chúng tôi nghĩ khác, dịp khác sẽ nói về sự thiếu, giờ chúng tôi chỉ nói về sự thừa (chữ). Câu thơ thừa chữ, lê thê, là điều thi nhân thời đại nào cũng cố gắng tránh xa, đặc biệt là thời nay, người đọc không nhiều thời gian cho đọc văn chương như thời xưa. Đơn cử, Văn Cao trình bày đời sống tinh thần của mình chỉ bằng mấy câu chắt lọc: Tất cả tình yêu khát khao hy vọng/ Bốc lên trong lòng/ Rơi xuống những giọt nước mắt. Có thể nói, đó là hội họa ấn tượng, Văn Cao vẽ bằng thơ. Còn những câu thơ Nguyễn Quang Thiều mà Inrasara khen là cái hay của sự thừa, chúng tôi nghĩ, đó là một lỗi đáng phải sửa chữa. Không lý luận xa xôi gì, hai câu thơ của Nguyễn Quang Thiều, Inrasara dẫn ra để khen, chúng tôi nhìn nhận rất bình dị, là tác giả để văn nói tràn vào thơ một cách thoải mái, nên thừa quá nhiều chữ. Gần 20 năm trước có một tác giả lý luận phê bình đã sửa câu thơ đầu của Nguyễn Quang Thiều (mà Inrasasra dẫn ở trên), từ 17 từ, rút xuống còn 14 từ, rất có lý: “Những chiều xa quê mong dòng sông dâng ngang trời cho tôi nhìn thấy”. Trong văn xuôi đã tối kỵ để văn nói lấn văn viết, trong thơ càng phải nghiêm ngặt hơn.
Để củng cố lý luận về sự thừa, Inrasara khẳng định “sự thừa này góp phần không nhỏ tạo nên nhịp điệu của thơ Nguyễn Quang Thiều”. Và như muốn nhấn mạnh thêm phẩm giá thơ Nguyễn Quang Thiều, anh còn viện dẫn Ch. Harman đã nói: “Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ, và phép làm thơ là chuyển nó thành ý nghĩa”. Không biết Inrasara trích dẫn Ch. Harman có chính xác không, nhưng chúng tôi và công chúng văn học hiểu rõ, nhịp điệu có đóng góp cho phẩm chất bài thơ, nhưng không phải là “đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ”. Cụ thể hơn, câu thơ bỏ bớt ba từ thừa (như đã dẫn ở trên), có làm hỏng gì về nhịp điệu của nó đâu. Và nữa, Nguyễn Quang Thiều chuyển sự thừa thành nhịp điệu ở chỗ nào?
Đang trao đổi về thơ và lý luận phê bình văn chương, Inrasara lại viết về hội họa: “Một nhà phê bình siêu thực không hỏi tại sao cành cây, núi, đồng hồ…phi thực như thế trong Sự bền lâu của trí nhớ của S. Dali”. Do Inrasara tạt sang hội họa, chúng tôi cũng phải xin thưa cho sáng tỏ. Từ những năm 1914 đến 1916, họa sĩ người Ytalia Giorgio Chirico nổi tiếng với những bức tranh vẽ những hoang ảnh thật cô đơn. Loạt tranh đó được nhà thơ Guillaume Apollinaire dặt tên là Hội họa siêu hình (Metaphysical painting). Trong tranh G. Chirico, như ngẫu nhiên, ông thường đặt vào vài vật như rau cỏ, găng tay, đồng hồ…(Chi tiết này cho thấy “cành cây, núi, đồng hồ…” mà Inrasara nói “trong Sự bền lâu của trí nhớ của S. Dali”, có nguồn gốc từ bậc tiền bối G. Chirico). Salvador Dali (1904 – 1989), học vẽ ở Madrid, rất quan tâm đến hội họa Lập thểVị lai, đến năm 1928, vào tuổi 24 mới tham gia vào Chủ nghĩa Siêu thực. Nhưng, từ thời Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914 – 1918), nhà thơ tài hoa Guillaume Apollinaire đã khởi lên Chủ nghĩa Siêu thực (vậy là ông đã đặt tên cho cả trường phái Siêu hình và chủ nghĩa Siêu thực). Tiếp đó, những nhà thơ danh tiếng như Paul Eluard, André Breston và Louis Aragon cũng hưởng ứng, và nhà lý luận trụ cột của Siêu thực là thi sĩ A. Breston. Đến năm 1936, A. Breston bất đồng sâu sắc với S. Dali, bởi S. Dali ủng hộ tên Phát xít đọc tài Franco… Vậy sao Inrasara không viết về văn chương Siêu thực, mà lạc đề thế? Trên ND cuối tuần số 15, chúng tôi đã nêu lên bài học lớn về thơ ca, qua hiện tượng P. Eluard. Chắc Inrasara đã đọc. Bây giờ, chúng tôi cần nói thêm rằng, P. Eluard và L. Aragon là hai tài năng xuất sắc của thơ ca Siêu thực. Nhưng đáng kể hơn là sau đó, hai ông đi qua chủ nghĩa Siêu thực, và bằng một nghệ thuật thơ ca khác Siêu thực, để “khẳng định rằng, cuộc đời mình bắt rễ vào đời sống nhân loại”, như lời P. Eluard đã tuyên bố trong cuộc Triễn lãm Siêu thực tại London ngày 26 – 6 – 1936. Sự nghiệp thơ ca của hai tài năng lớn này đã làm vinh dự cho nền thơ Pháp, và cũng là đóng góp lớn cho thơ ca thế giới thế kỷ XX!
Trở lại vấn đề nhịp điệu thơ, có thể nói, chẳng cần lý luận cao xa gì, người đọc bình thường cũng hiểu nhịp điệu làm cho thơ dễ vào lòng người đọc hơn:
- Hoa cúc vàng đẻ ra hoa cúc tím
Em lấy chồng rồi, trả yếm cho anh.
- Hoa cúc tím đẻ ra hoa cúc xanh
Lấy chồng em cứ lấy, yếm anh em cứ cầm.
Chưa bàn về yếu tố tượng trưng, siêu thực, phần nào yếu tố tính dục mà các nhà hiện đại chủ nghĩa đôi khi coi là một yếu tố của “hậu hiện đại”, đã khiến những câu ca dao trên mang một vẻ đẹp lạ thường của thơ ca đích thực. Chỉ nói, chính nhịp điệu đã khiến nó neo được ngay vào lòng người đọc. Không biết đứng trên hệ mỹ học của mình, Inrasara giải nghĩa cái hay của mấy câu thơ cổ trên như thế nào, hay là thấy nó không hay?.. Nhưng, những người đọc văn học mà chúng tôi được tiếp cận nhiều năm nay, có nông dân, giáo viên trường làng, công nhân, có các nhà khoa học tự nhiên, các nhà triết học, nhà mỹ học, sử gia, các nhà báo và văn nghệ sĩ… Khi chúng tôi nói chuyện với họ, đọc cho họ nghe những câu trên, họ đều khen một cách bình dị: “Thật là hay”. Hai câu thơ của Chế Lan Viên, Thời gian chảy đá mòn sông núi lở/ Lòng ta luôn còn mãi vết thương đau, nhịp điệu hay đến mức đã làm cho cả ý thơ và tình thơ thật sâu. Và, đôi câu thơ của Bích Khê, Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mêng mông, chính nhịp điệu của nó góp phần tạo nên vẻ đẹp thơ ca, mà Hoài Thanh và Hoài Chân (trong Thi nhân Việt Nam) đã coi đó là “những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”. Xin dẫn thêm một câu ca dao mà có phẩm giá như thơ ca kinh điển:
Dao vàng cứa ruột không đau
Cắt ra làm chín gửi nhau mang về.
Hai câu lục bát trên, ngôn ngữ và hình tượng thơ đẹp rực rỡ. Trong đôi câu buồn và đẹp rực rỡ đó, ẩn chứa một thiên tình sử. Và nếu biết người Việt ta có câu “Chín khúc ruột mềm”, lại có câu “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều”, còn có cả câu: “Quanh co mấy khúc đoạn trường” (nói về đường đời nhiều lúc đau đứt ruột), thì mới hiểu 14 từ kia mang một trữ lượng đáng kể về văn hóa Việt, về đời sống và tâm hồn người Việt Nam ta. Như vậy mới thấy cái đẹp của ngôn ngữ thơ ca là vô cùng quan trọng, cũng vô cùng quan trọng là sự sống chất chứa trong thơ. Tâm hồn người viết mang vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình, chất chứa những sự đời của người Việt mình, là quan trọng nhất! Viết những dòng khép lại bài tiểu luận này, là chúng tôi tâm sự với nhà thơ Inrasara.
Hà Nội tháng 5 – 2013.
ANH CHI

No comments:

Post a Comment